Chi phí vận tải đường biển bằng container trên toàn cầu đang tăng lên mức cao kỷ lục do nhu cầu hàng hoá tăng đột biến tại các tuyến đi Hoa Kỳ và Châu Âu, tình trạng thiếu container rỗng tại khu vực Châu Á và sự thay đổi các luồng vận chuyển do tác động của đại dịch Covid-19.
Chỉ số Harpex Shipping Index – theo dõi giá thuê tàu container, đã tăng hơn gấp đôi kể từ tháng 7 lên 947 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 9 năm 2008 – thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu nổ ra.
Theo số liệu của sàn giao dịch vận chuyển Shanghai Shipping Exchange (Trung Quốc), tính đến giữa tháng 11/2020, chi phí vận chuyển một container 20 feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Singapore là khoảng 802 USD, tăng 370% so với 170 USD hồi tháng 10/2020. Các chuyến hàng từ Trung Quốc và khu vực Đông Nam Á sẽ đến Singapore trước khi chuyển đi Châu Âu và khu vực Trung Đông.
Chi phí vận chuyển hàng bằng container từ Trung Quốc sang khu vực Đông Nam Á hiện cũng ở mức cao kỷ lục do thiếu container. Chỉ số container toàn cầu của Freightos Baltic (FBX), mức bình quân của 12 tuyến vận chuyển container chính trên toàn cầu, đã chạm mức cao kỷ lục 2.359 USD/container 40 feet hồi giữa tháng 11/2020, tăng 30% so với hồi đầu tháng 7 vừa qua. Chi phí vận chuyển tăng lên mức cao kỷ lục tại tất cả các tuyến vận chuyển chính.
Trong khi đó, dữ liệu của Freightos tại Refinitiv Eikon cho thấy chi phí vận chuyển một container từ Trung Quốc đến các cảng tại Bờ Đông Hoa Kỳ trên thế giới đã đạt mức kỷ lục 4.750 USD/container 40 feet vào giữa tháng 11/2020, tăng 42% kể từ đầu tháng 7/2020. Bờ Đông Hoa Kỳ được xem là một trong những thị trường bán lẻ lớn nhất thế giới. Giá cước vận chuyển container từ Trung Quốc đến Bờ Tây Hoa Kỳ hiện cũng tăng 50% so với hồi tháng 7/2020 lên 3.878 USD/container 40 feet.
Giới phân tích nhận định chi phí vận chuyển bằng container từ khu vực Châu Á đi Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ còn giữ ở mức cao trong thời gian tới do việc thiếu hụt container sẽ khó có thể sớm được giải quyết. Do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết và tình hình dịch bệnh nên nhiều chuyến tàu chở containr rỗng chiều về từ Hoa Kỳ, Châu Âu vẫn chưa thể quay lại khu vực Châu Á.
Trong khi đó, việc vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không vẫn chưa được khai thông vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới, phần lớn đội bay trên toàn cầu vẫn chưa được cất cánh. Ngoài ra, nhiều bộ phận đặt chỗ với hãng tàu cho thuê container rỗng vượt số lượng cho phép khiến tình trạng thiếu hụt container trở nên trầm trọng hơn.
Thông thường, khối lượng container được vận chuyển có xu hướng tăng từ tháng 8 đến tháng 10, trước mùa mua sắm cuối năm tại Hoa Kỳ và Châu Âu. Tuy nhiên, khối lượng hàng hoá cần được vận chuyển trong năm nay vẫn ở mức cao trong tháng 11. Lượng hàng hoá được vận chuyển tới Hoa Kỳ tăng vọt cũng đang gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các cảng khu vực Vịnh Mexico của Hôa Kỳ, khiến quá trình bốc dỡ hàng bị kéo dài.
Chuyên gia phân tích thị trường vận tải container Hua Joo Tan từ hãng nghiên cứu Liner Research Services cho biết, nhu cầu vận chuyển bằng container hiện tăng cao đổi biến so với hồi tháng 7/2020 do nhu cầu về tái dự trữ hàng hoá sau phong toả, hoạt động vận tải bằng đường hàng không vẫn bị hạn chế và nhu cầu đối với hàng hoá dùng cho gia đình, hàng hoá PPE (thiết bị bảo hộ cá nhân) ở mức cao. Bên cạnh đó, sự thiếu hụt container cũng khiến hoạt động vận chuyển trở nên căng thẳng hơn, theo ông Hua Joo Tan.
“Tuyến vận chuyển xuyên Thái Bình Dương từ châu Á đến Mỹ có nhu cầu tăng mạnh nhất, với sản lượng tăng từ 10% đến 20% so với năm ngoái, nhưng chúng tôi nhận thấy nhu cầu cao đang lan ra tất cả các tuyến vận chuyển. Dự kiến nhu cầu vận chuyển cao sẽ vẫn được duy trì cho đến quý 1/2021”, theo ông Hua Joo Tan.
Ngày 21/11 vừa qua, Ủy ban Hàng hải liên bang Mỹ (FMC) thông báo mở cuộc điều tra hoạt động kinh doanh của các hãng tàu biển nước ngoài tại các cảng của Hoa Kỳ. Động thái này diễn ra khi các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ khiếu nại họ bị các hãng tàu nước ngoài từ chối vận chuyển hàng xuất khẩu vì ưu tiên xoay vòng container rỗng trở về Châu Á để vận chuyển hàng hóa Trung Quốc do cước phí vận chuyển tại các tuyến này ở mức cao.
Theo Tạp chí Công thương