Nhu cầu nhập khẩu của thế giới đối với gạo Việt Nam đang rất lớn, đặc biệt là thị trường Philippines nhưng hiện nay vụ Thu Đông 2020 ở ĐBSCL đã qua, vụ Đông Xuân chưa tới, nguồn cung khan hiếm khiến giá lúa gạo ở ĐBSCL đang tăng mạnh.
Thị trường gạo xuất khẩu “nóng” ngay từ đầu năm 2021
Ngày 12/1/2012, giá lúa gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bật tăng mạnh với mức tăng từ 100 – 400 đồng/kg.
Tại An Giang, giá lúa IR 504 ở mức 6.900 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg; ĐT 8 có giá 7.300 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg; OM 5451 giá 6.900 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 6976 và lúa Jasmine được mua với giá 7.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; 7.000 đồng/kg; … Riêng lúa nếp tiếp tục tăng mạnh 400 đồng/kg lên mức 7.700 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam ổn định ở mức 500-505 USD/tấn.
Năm 2021, thị trường lúa gạo tiếp tục có nhiều điểm sáng
Giá lúa OM 9577, OM 9582 vào ngày 12/1/20121 tại tỉnh An Giang là 7.000 đ/kg tăng 100 đ/kg so với ngày hôm trước, giá lúa IR 50404 là 6.800 – 6.900 đ/kg. Giá lúa tăng nhưng hiện nay diện tích lúa chưa thu hoạch còn lại rất ít trên đồng khiến nguồn cung khan hiếm.
Giá lúa gạo trong năm qua liên tục tăng và giá lúa thơm Jasmine mua tại ruộng có thời điểm lên đến 7.200đ/kg. Giá lúa cao từ đầu vụ Hè Thu đến vụ Thu Đông và luôn duy trì ở mức cao cả khi vào thu hoạch chính vụ.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước đặc biệt là thị trường Philippines tăng cao, nhưng nguồn cung trong nước đã cạn đẩy giá cao xuất khẩu tăng lên. Thời gian qua giá gạo xuất khẩu của Việt Nam biến động theo chiều hướng tăng nên phần lớn các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng lớn và giao hàng tương lai xa, do lo ngại diễn biến thị trường gạo biến động nhanh và mạnh.
Vừa qua, các thương nhân Philippines thông báo tháng 2/2021 sẽ ngừng nhập khẩu gạo nhưng có thể chỉ là động thái để kéo giá gạo của Việt Nam xuống. Thực tế có nhiều dấu chỉ cho thấy Philippines sẽ tăng mua khẩu gạo, hiện có hơn 20 tàu của thương nhân nước ngoài neo tại các cảng của TP.HCM và An Giang để nhận hàng trong đó đa số là các tàu của Philippines.
“Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang chào bán gạo IR 50404 loại 5% trên 510 USD/tấn, gạo OM 5451, Jasmine khoảng 630-640 USD/tấn, OM 5451 trên 535 USD/tấn và khách hàng đã đồng ý mua, mà từ đây cho đến Tết nguyên đán nguồn cung không còn nhiều, nên các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng bán gạo với số lượng lớn, riêng công ty Việt Hưng mỗi hợp đồng chỉ ký bán khoảng 2.000 – 3.000 tấn gạo để tạo việc làm cho người lao động của công ty”, ông Đông chia sẻ.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, năm 2021 Philippines cần nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo. Philippines là một trong những thị trường nhập khẩu gạo lớn và lâu năm của Việt Nam, hàng năm họ nhập khẩu tới 90% nhu cầu từ Việt Nam. Năm 2020 Philippines nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo.
Ông Ariel Cayanan, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines cũng đã cho biết, nước ông cần nhập khẩu tối thiểu là 1,69 triệu tấn gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia, cho đến tháng 7/2021 là thời điểm thu hoạch mùa tại đây. Trong năm đại dịch Covid-19 tác động đến toàn thế giới, làm chậm trễ các chuyến hàng vận chuyển gạo, cước phí vận tải đường biển tăng cao và xu hướng tích trữ lương thực tăng cao trên toàn thế giới làm cho thị trường gạo biến động mạnh, tăng cao.
Ngoài nhu cầu nhập khẩu gạo tăng cao từ thị trường Philippines thì nhu cầu mua nếp từ thị trường Trung Quốc đang tăng trở lại, hiện giá nếp tươi trên thị trường tiếp tục tăng mạnh 400 đồng/kg lên mức 7.700 đồng/kg. Tuy nhiên, do vụ Thu Đông đã qua còn vụ Đông Xuân 2021 chưa tới, nguồn nếp trong nước hạn hẹp đẩy giá nếp trong nước lên khoảng 525 USD/tấn, nhưng các thương nhân Trung Quốc chào mua từ 510 – 515 USD/tấn nên rất khó bán. Theo ông Đôn, khi vào vụ thu hoạch vụ Đông Xuân có khả năng giá nếp trong nước sẽ phải điều chỉnh giảm chút ít để về đúng mức giá của thị trường mong muốn có như vậy thương nhân Trung Quốc mới chấp nhận mua.
Nhập khẩu gạo tấm của Ấn Độ không đáng lo ngại
Nhu cầu tấm gạo IR 50404 cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, bún, phở, hủ tiếu, bột gạo… là rất lớn nhưng nguồn cung trong nước không còn nhiều cộng với giá cao nên có một vài doanh nghiệp đã chủ động tìm nguồn cung từ nước ngoài thay thế, và hiện tại gạo tấm Ấn Độ đang được nhập về bù đắp lượng thiếu hụt.
“Hiện nay nhu cầu tấm gạo đang cao nhưng nguồn cung không đáp ứng đủ mà giá lại cao, tấm gạo trong nước đang dao động từ 450-460 USD/tấn, nên các doanh nghiệp nhập khẩu tấm gạo Ấn Độ với giá rẻ chỉ có 310 USD/tấn (FOB), cộng chi phí vận chuyển về Việt Nam vẫn còn rẻ hơn so với tấm trong nước. Đây chỉ là quy luật của cung cầu của thị trường”, ông Đôn nói.
“Nguyên nhân, thị trường trong nước đang thiếu nguồn gạo IR 50404 là do phần lớn nông dân ĐBSCL đã chuyển sang sản xuất các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao. Việc nhập khẩu gạo tấm của Ấn Độ xem ra không phải là điều đáng lo ngại lắm, trái lại đây có thể là điều đáng mừng. Vì như vậy, ngành nông nghiệp sẽ tập trung sản xuất gạo phẩm cấp cao, giá bán tốt, tạo ra nhiều thặng dư hơn cho người nông dân trên ha lúa canh tác”, một chuyên gia nhận định.