Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo nếp nhưng tăng mua các loại gạo thơm từ Việt Nam

Việc Trung Quốc phong tỏa để phòng chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiêu thụ gạo nếp, chủng loại gạo xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này. Tuy vậy, nhu cầu đối với các loại gạo thơm lại tăng cao

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, Trung Quốc hiện đang là thị trường tiêu thụ gạo lớn thứ hai của nước ta, tuy nhiên xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 7 tháng đầu năm đã giảm mạnh 27,5% về lượng và giảm 28,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 466.225 tấn với trị giá 242,74 triệu USD.

Việc Trung Quốc duy trì chính sách “Zero COVID” phong tỏa để phòng chống dịch đã ảnh hưởng đáng kể đến nhu cầu tiêu thụ gạo nếp, chủng loại xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường này.

Được biết gạo nếp vẫn là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam sang Trung Quốc trong 7 tháng qua với khối lượng 223.464 tấn, nhưng so với cùng kỳ giảm mạnh 53,1%. Tỷ trọng gạo nếp trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm xuống còn 48% từ mức 74% của cùng kỳ.

Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu nếp lớn nhất sang Trung Quốc và đồng thời đây cũng đang là thị trường tiêu thụ nếp số 1 của Việt Nam chiếm hơn 60% tỷ trọng.

Tại Trung Quốc, gạo nếp chủ yếu được sử dụng để làm bánh bao, cháo và các món tráng miệng, nhưng do dịch bệnh nên việc đi lại của người dân Trung Quốc có nhiều hạn chế và điều này đã làm giảm nhu cầu tiêu dùng đối với các loại thực phẩm làm từ gạo nếp.

Tuy nhiên, điều tích cực là Trung Quốc đã tăng mạnh nhập khẩu các loại gạo thơm, đặc biệt là gạo ST21, ST24 từ Việt Nam. Lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 7 tháng đã tăng 58,6% lên 188.459 tấn.

Ngoài ra, xuất khẩu gạo Japonica, gạo trắng của Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng khá mạnh trong những tháng đầu năm nay.

Đánh giá về nhu cầu gạo của Trung Quốc trong những tháng tới, các doanh nghiệp kỳ vọng nhu cầu sử dụng gạo nếp tăng cao trong các dịp Lễ Tết cao điểm cuối năm sẽ thúc đẩy các hoạt động nhập khẩu của nước này.

Ngoài ra, tình hình sản xuất lúa gạo không thuận lợi do hạn hán có thể thúc đẩy Trung Quốc nhập khẩu nhiều gạo hơn.

Reuters dẫn nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết một số khu vực của tỉnh Giang Tô và An Huy của nước này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình trạng nắng nóng kéo dài. Thời tiết đã dịu đi sau những trận mưa gần đây, nhưng lượng mưa phân bố không đồng đều và hạn hán vẫn tiếp diễn cục bộ.

Theo Cục thống kê Trung Quốc, Giang Tô và An Huy chiếm khoảng 11,5% sản lượng ngũ cốc của Trung Quốc vào năm 2021.

Còn trong báo cáo tháng 8 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này dự báo tiêu thụ gạo của Trung Quốc niên vụ 2022-2023 đạt 156,6 triệu tấn, tăng nhẹ so với 156,29 triệu tấn của niên vụ trước đó.

Đáng chú ý, Trung Quốc dự kiến tiếp tục là nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới với kỷ lục 6 triệu tấn trong năm 2023. Lượng gạo dự trữ cuối kỳ của Trung Quốc dự kiến ​​giảm 4 triệu tấn trong niên vụ 2022-2023 xuống còn 109 triệu tấn.

 

Tin Liên Quan